Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Phó thủ tướng: Địa phương đừng đếm số doanh nghiệp mới để lấy được thành tích

Quan điểm nêu trên được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tại lễ ký cam kết về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi giữa Phòng Thương mại & Công  nghiệp Việt Nam (VCCI) và 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, chiều 22/9.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở lãnh đạo chính quyền các địa phương đưa ra cam kết về số lượng doanh nghiệp mới thành lập không phải đăng ký để lấy thành tích, mà phải tạo điều kiện để số này hoạt động hiệu quả.


Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc cam kết với VCCI đúng theo tinh thần của Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Chứng kiến lễ ký thoả thuận cam kết giữa lãnh đạo 21 tỉnh, thành phía Bắc và VCCI về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc hoàn thành việc ký cam kết giữa VCCI và 63 tỉnh, thành thể hiện quyết tâm của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Nhưng quan trọng hơn là những cam kết của các chính quyền địa phương phải được thực hiện và có kết quả, để mục tiêu của Chính phủ trở thành hiện thực”, Phó thủ tướng lưu ý.
pho-thu-tuong-dia-phuong-dung-dem-so-doanh-nghiep-moi-de-lay-thanh-tich
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, các địa phương cam kết cải thiện môi trường kinh doanh thì phải thực hiện để doanh nghiệp phát triển.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi tháng, cả nước có gần 10.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Riêng thành phố Hà Nội, con số này là 2.000 doanh nghiệp. Hà Nội cam kết tới năm 2020 có khoảng 400.000 doanh nghiệp được thành lập mới, cùng với TP HCM là 500.000 doanh nghiệp, Phó thủ tướng hy vọng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp sau 5 năm nữa mà Chính phủ đề ra hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, nhìn vào danh sách đăng ký, lãnh đạo Phó thủ tướng nhắc nhở, còn nhiều địa phương chưa mạnh dạn đưa ra số liệu cam kết doanh nghiệp thành lập mới. “Có tỉnh chưa cam kết, có tỉnh cam kết còn khiêm tốn quá so với tiềm năng. Tỉnh nào chưa đăng ký thì cân nhắc lại số lượng cụ thể để đăng ký với VCCI, Chính phủ. Nhưng số lượng doanh nghiệp mới thành lập phải tăng lên, nhưng không phải đăng ký để lấy thành tích, mà phải hoạt động hiệu quả”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ tiết lộ, tới đây Chính phủ sẽ giao cho VCCI xây dựng bộ chỉ số hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công bố hằng năm, dựa trên tiêu chí số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giải thể; chỉ số đóng góp khu vực của doanh nghiệp... để làm thước đo kiểm tra, giám sát các tỉnh có thực hiện cam kết hay không.
Trên cơ sở này, Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có phát triển mạnh hơn bằng các chính sách trực tiếp, gián tiếp theo nguyên tắc “không phân biệt đối xử”. Đồng thời, các địa phương cũng phải chú trọng phong trào khởi nghiệp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (của cả các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ nước ngoài)... thiết lập các doanh nghiệp vệ tinh.
“Quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ là rất rõ ràng, nhưng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhìn vào động thái của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động như thế nào sau khi cam kết. Phải đi vào những khía cạnh cụ thể thì mới hy vọng những cam kết ký hôm nay có hiệu quả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại lễ ký, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, 21 tỉnh thành phố ký cam kết với VCCI là 21 bản cam kết của chính quyền địa phương về thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tới năm 2020. “Quá trình ký kết này là quá trình truyền lửa cải cách từ Chính phủ xuống các địa phương, tạo nên một làn sóng khởi nghiệp rộng khắp cả nước. VCCI sẽ kiểm tra giám sát, báo cáo Chính phủ 3 tháng một lần về quá trình thực hiện Nghị quyết 35. Tôi hy vọng đây là 21 bản cam kết được ký là 21 phát đại bác cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương”, ông Lộc ví von.
Về mục tiêu tới 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, ông Lộc khẳng định, hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí vượt con số này. Theo ông, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cải cách đang được khơi dậy khi thấy quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo cải cách. Hơn thế, chính quyền địa phương không chỉ chung tay cùng xây dựng, cải cách môi trường kinh doanh, còn phải tự tái cơ cấu để có những đột phá trong bối cảnh mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét