Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

World Bank: Nông nghiệp Việt Nam cần sự thay đổi

Trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 "Chuyến đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào", WB nhận định Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản - lương thực hàng đầu thế giới. Các sản phẩm nổi tiếng là gạo, cà phê, chè, hạt điều, tiêu, cao su..

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước tiến lớn trong vài thập kỷ qua, cả về năng suất và sản lượng, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển ngành nông nghiệp gần đây đã chậm lại. Tình trạng này thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận thấp, thiếu lao động triền miên, an toàn thực phẩm đáng lo ngại, giá trị gia tăng thấp và chưa áp dụng nhiều công nghệ cao. Bên cạnh đó, nó còn gây ra một số hệ lụy về môi trường, như mất rừng, thoái hóa đất, ô nhiễm nước và khí nhà kính.
world-bank-nong-nghiep-viet-nam-can-thay-doi
WB cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại và cần thay đổi. Ảnh: PV
WB cho rằng nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thời điểm bước ngoặt và cần thay đổi cách làm cũ. Để tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, giảm tác động lên môi trường và cải thiện lợi nhuận, ngành này cần "tăng giá trị, giảm đầu vào". Theo đó, nông nghiệp phải giảm tài nguyên, lao động và các nguồn lực đầu vào khác, đồng thời cải thiện giá trị cho cả người sản xuất và tiêu dùng.
Quá trình này cần sự thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu sản xuất và chuỗi cung ứng. WB nhận định sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị còn yếu, khiến chi phí giao dịch tăng và không tận dụng được lợi thế quy mô. Vai trò quản lý của của nhà nước cũng cần thay đổi, về cách cung ứng dịch vụ hỗ trợ cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Báo cáo đặt mục tiêu trong 15-20 năm tới, ngành nông lương sẽ đóng góp một phần năm GDP, tạo việc làm cho 25-30% lao động Việt Nam. Việc quản lý tài nguyên và chất thải sẽ được thực hiện tốt và Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản với giá trị gia tăng ngày càng cao.
Trong buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần giúp tháo gỡ rào cản về đất đai và tín dụng. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng cần sự phối hợp giữa tất cả các bên liên quan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng tình rằng chính sách về sở hữu đất đai đang gây trở ngại cho việc phát triển ngành này. Bên cạnh đó, các thách thức khác là đầu tư cho nông nghiệp tại Việt Nam còn thấp và vai trò của nhà nước, thị trường, xã hội trong ngành này còn chưa rõ ràng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét